Trẻ rối loạn phổ tự kỷ cần sự đồng hành của gia đình qua việc tương tác và trò chuyện. Tuy nhiên, nhiều ba mẹ lo ngại về các hành vi không phù hợp, như ăn vạ, mà chưa rõ nguyên nhân và cách xử trí.
Làm thế nào để hỗ trợ trẻ hiệu quả? Câu trả lời sẽ được giải đáp trong bài viết này.
Một số nguyên nhân khiến trẻ ăn vạ
Trẻ gặp vấn đề về rối loạn xử lý cảm giác
Hành vi ăn vạ ở trẻ tự kỷ thường liên quan đến rối loạn xử lý cảm giác, khiến các cơ quan cảm giác của trẻ trở nên quá nhạy hoặc quá trơ. Sự mất cân bằng này làm trẻ khó thích nghi với môi trường, dẫn đến lo lắng, sợ hãi, thậm chí khóc lóc. Từ đó, người lớn có thể hiểu nhầm rằng trẻ đang ăn vạ.
Trẻ gặp khó khăn về vấn đề giao tiếp
Một trong những khó khăn chính của trẻ rối loạn phổ tự kỷ là vốn từ giao tiếp hạn chế, khiến trẻ khó diễn đạt nhu cầu hoặc sử dụng giao tiếp không lời. Khi không thể bày tỏ mong muốn, hoặc nhu cầu không được đáp ứng đúng cách, trẻ dễ trở nên khó chịu và biểu hiện hành vi như ăn vạ để thu hút sự chú ý và hy vọng người lớn hiểu được nhu cầu của mình.
Trẻ gặp những khó khăn về cảm xúc
Trẻ tự kỷ thường khó thể hiện cảm xúc phù hợp với hoàn cảnh, dễ tự khóc hoặc cười khi bị kích thích từ môi trường bên ngoài. Với hành vi rập khuôn, chỉ một thay đổi nhỏ trong sinh hoạt cũng khiến trẻ khó thích nghi, dẫn đến phản ứng như khóc la hoặc ăn vạ. Phụ huynh thường cảm thấy bất lực khi trẻ la hét liên tục, nhưng thực chất, đây là cách trẻ giải tỏa căng thẳng và tương tác với thế giới. Cha mẹ nên bình tĩnh, xem xét vấn đề một cách toàn diện để tìm hướng giải quyết phù hợp.
Một số cách xử trí hành vi ăn vạ ở trẻ tự kỷ
Thứ nhất ba mẹ hiểu rõ ngưỡng cảm giác của trẻ
Để giảm thiểu hành vi bùng nổ ở trẻ có rối loạn xử lý cảm giác, ba mẹ nên liệt kê những yếu tố gây khó chịu cho trẻ (âm thanh, món ăn, đồ vật…). Với các kích thích vượt ngưỡng, hãy giúp trẻ làm quen từ từ, ví dụ tăng dần lượng thức ăn để trẻ thích nghi. Đồng thời, cần hạn chế các kích thích gây căng thẳng, và nếu trẻ phải đối diện với chúng, hãy bình tĩnh trò chuyện, ôm và trấn an để trẻ cảm thấy an toàn.
Thứ hai ba mẹ cần bình tĩnh mỗi khi trẻ ăn vạ
Ba mẹ nên tránh việc quát mắng hay dùng bạo lực, thay vào đó hãy ôm trẻ vào lòng để giúp trẻ cảm thấy bình tĩnh hơn. Điều quan trọng là ba mẹ cần giữ sự bình tĩnh để hỗ trợ trẻ điều chỉnh hành vi. Trước mỗi thay đổi trong lịch trình, nên nói trước với trẻ để chuẩn bị tâm lý. Dành thời gian trò chuyện, tìm cách trấn an như đưa món đồ chơi yêu thích của trẻ để giúp trẻ cảm thấy an tâm và dần lấy lại sự cân bằng cảm xúc.
Thứ ba ba mẹ cần cung cấp vốn từ, hình ảnh giao tiếp cho trẻ tự kỷ
Việc cung cấp vốn từ giao tiếp cho trẻ tự kỷ là rất quan trọng. Đối với trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp bằng lời nói, ba mẹ có thể sử dụng thẻ tranh hỗ trợ như bảng lựa chọn, hướng dẫn thực hiện các hoạt động để giúp trẻ bày tỏ nhu cầu và cảm xúc. Trong giao tiếp, ba mẹ nên tạo khoảng chờ từ 5-7 giây để khuyến khích trẻ nhìn vào mắt, quan sát khuôn mặt hoặc thực hành các hành động như xòe tay xin khi cần. Điều này sẽ hỗ trợ hiệu quả quá trình phát triển kỹ năng giao tiếp của trẻ.
Thứ tư ba mẹ có thể di chuyển sự chú ý của trẻ
Khi trẻ có dấu hiệu khó chịu hoặc la hét, ba mẹ nên đánh lạc hướng bằng hoạt động mà trẻ yêu thích, nhằm chuyển sự chú ý sang điều tích cực và thoải mái. Hãy tạo cảm giác an toàn và yêu thương cho trẻ. Ví dụ, nếu trẻ khóc vì không được xem tivi, thay vì giải thích, ba mẹ có thể dùng món đồ chơi như chiếc xe ô tô, tạo âm thanh thú vị và chơi cùng trẻ để chuyển sự chú ý sang đồ chơi mới. Cách này sẽ giúp trẻ bình tĩnh hơn và tập trung vào điều vui vẻ.
Tóm lại, mỗi trẻ tự kỷ có những biểu hiện riêng, do đó ba mẹ cần linh hoạt trong cách xử trí. Điều cốt lõi là ba mẹ thấu hiểu khó khăn của trẻ, hỗ trợ bằng tình yêu thương và sự đồng hành trong các hoạt động hàng ngày. Khi trẻ ăn vạ, ba mẹ cần giữ bình tĩnh, tránh sử dụng bạo lực, nhằm đảm bảo trẻ không cảm thấy lo lắng hay bất an. Sự thấu hiểu và yêu thương sẽ giúp tạo cảm giác an toàn, từ đó từng bước giúp trẻ hòa nhập tốt hơn với môi trường xã hội.
ThS. Tâm lý Lê Thị Thảo
Tài liệu tham khảo:
- Đỗ Bích Thuận, bài giảng rối loạn ngôn ngữ, chương trình Đào tạo Âm ngữ trị liệu Nhi 2018-2019, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
- Hoàng Văn Quyên, bài giảng rối loạn phổ tự kỉ, chương trình đào tạo âm ngữ trị liệu Nhi 2018-2019, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
- Trần Tú Uyên (người dịch) (2004), các kĩ năng giao tiếp sớm, Trung tâm nghiên cứu giáo dục trẻ khuyết tật Thành Phố Hồ Chí Minh
- Tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và can thiệp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ- (Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-BYT ngày tháng năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế
-----------------------------------------------------------
Hãy liên hệ với hệ thống 70 Trung tâm Rồng Việt gần bạn nhất để được tư vấn, đánh giá và hỗ trợ cho bé nhanh nói.